Phân tích khái niệm quản lý hành chính nhà nước. Cho ví dụ về một hoạt động quản lý hành chính nhà nước?
1. Quản lý hành chính nhà nước là gì?
Quản lý hành chính nhà nước là hình thức hoạt động của nhà nước được thực hiện chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước, có nội dung là bảo đảm sự chấp hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của các cơ quan quyền lực nhà nước, nhằm tổ chức và chỉ đạo một cách trực tiếp và thường xuyên trong công cuộc xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội và hành chính-chính trị.
2. Các đặc điểm của quản lý nhà nước
– Quản lý hành chính nhà nước là hoạt động chấp hành, điều hành của nhà nước, được thực hiện chủ yếu bởi các cơ quan hành chính nhà nước: Hoạt động chấp hành được thể hiện trên phương diện tuân thủ các quy định của pháp luật của các chủ thể khi tham gia quản lý hành chính nhà nước. Hoạt động điều hành thể hiện việc các chủ thể đặc biệt áp dụng các quy phạm pháp luật hành chính để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quản lý hành chính nhà nước. Nếu Quốc hội có chức năng cơ bản, quan trọng là lập pháp, Toà án có chức năng bảo vệ pháp luật là chủ yếu thì các cơ quan hành chính nhà nước chủ yếu thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước. Quốc hội, Tòa án có thể tham gia quản lý hành chính nhà nước nhưng các cơ quan hành chính nhà nước mới là chủ thể chủ yếu thực hiện hoạt động này.
VD1: Hoạt động làm tạm trú cho công dân tại Trụ sở công an phường Láng Thượng: Các đồng chí Công an phải tuân thủ các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết công việc, các thủ tục giải quyết. Trong khi đó, các đồng chí công an áp dụng những quy phạm pháp luật hành chính về giải quyết tạm trú cho công dân, các đồng chí công an có quyền xem xét hoặc không xem xét nếu không đủ giấy tờ và yêu cầu công dân cung cấp thêm giấy tờ.
VD2: Quốc hội quản lý hành chính nhà nước bằng cách ban hành các quyết định hành chính như: Quyết định bãi nhiệm đại biểu Quốc hội Châu Thị Thu Nga.
VD3: Toà án tham gia quản lý hành chính nhà nước bằng việc quản lý nhân sự của ngành toà án: Quyết định bổ nhiệm nhân sự …
– Hoạt động quản lý hành chính nhà nước có tính quyền lực nhà nước, có tính thống nhất chặt chẽ: Quản lý hành chính được thực hiện bởi các chủ thể sử dụng quyền hành pháp để áp đặt ý chí lên các chủ thể khác nên hoạt động này mang tính quyền lực rõ ràng. Tính thống nhất chặt chẽ của hoạt động quản lý hành chính nhà nước thể hiện ở việc các hoạt động quản lý đều tuân theo các nguyên tắc quản lý hành chính nhà nước, các quyết định hành chính của cấp dưới không được phép trái với các quyết định hành chính của cấp trên …
VD: UBND huyện Sóc Sơn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với ông A do chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp với diện tích 0.05ha tương ứng với mức xử phạt là 15 triệu đồng.
– Chủ thể quản lý hành chính nhà nước: Các chủ thể nhân danh nhà nước sử dụng quyền hành pháp.
VD: Các chiến sĩ công an giao thông đang thi hành nhiệm vụ, UBND các cấp, Bộ và cơ quan ngang bộ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ …
– Khách thể quản lý hành chính nhà nước: Trật tự quản lý được quy định bởi quy phạm pháp luật. Trật tự quản lý là trạng thái được thiết lập bởi tổng thể các hành vi cần thiết của đối tượng quản lý theo đúng yêu cầu của chủ thể quản lý.
VD: Trật tự quản lý giao thông có thể là việc các phương tiện đi đúng làn đường, đi đúng tốc độ, tuân thủ các biển báo và hiệu lệnh của các chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ.
– Đối tượng quản lý hành chính nhà nước: Là những quan hệ xã hội.
VD1: UBND quận Đống Đa ra quyết định thu hồi đất với ông A. Quyết định hành chính này nhằm điều chỉnh quan hệ giữa người sử dụng đất với nhà nước.
VD2: Cấp giấy khai sinh là hành vi hành chính xác nhận sự ra đời của một công dân, nó xác lập mối quan hệ giữa nhà nước và công dân đó.
– Phương tiện quản lý hành chính nhà nước: Quy phạm pháp luật.
VD: Căn cứ vào điểm c khoản 2 điều 7 Nghị định 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, các chiến sĩ cảnh sát giao thông đang thi hành nhiệm vụ trên đường Nguyễn Chí Thanh đã xử phạt 300.000 đồng với anh A vì hành vi đỗ xe trên hè phố trái quy định của pháp luật.
Like fanpage Luật sư Online tại: https://www.facebook.com/iluatsu/
Phân tích khái niệm quản lý hành chính nhà nước. Cho ví dụ về một hoạt động quản lý hành chính nhà nước?-Nguồn: Xóm Luật