Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2010, cả nước đã có 200 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 71.394 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt trên 45.854 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó, 173 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên 43.718 ha và 88 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản với tổng diện tích tự nhiên 27.405 ha. Các KCN được phân bổ trên 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, tập trung chủ yếu ở 3 vùng kinh tế trọng điểm: trong đó, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tập trung nhiều KCN nhất với 124 KCN, chiếm gần 48% tổng số KCN trên cả nước; vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có 52 KCN, chiếm 20% tổng số KCN trên cả nước; và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có 23 KCN, chiếm xấp xỉ 10% tổng số KCN trên cả nước.
Mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào KCN đã đạt được những kết quả khả quan, dần phục hồi tốc độ tăng trưởng so với giai đoạn trước khủng hoảng. Các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh của các KCN cả nước trong năm 2010 đạt mức tăng trưởng khá. Các doanh nghiệp KCN đã đạt tổng doanh thu trên 30,5 tỷ USD và 57.251 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của các doanh nghiệp đạt xấp xỉ 19 tỷ USD và 18,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước với 19.165 tỷ đồng và 344,37 triệu USD.
Mới được thành lập và đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhưng trong năm vừa qua tình hình sản xuất, kinh doanh của các KCN cũng đã có bước phát triển đáng kể, doanh thu của các KCN đạt hơn 10.000 tỷ đồng và 560 triệu USD, giá trị nhập khẩu và xuất khẩu lần lượt là 572.5 triệu USD, nộp ngân sách nhà nước hơn 1.100 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2010, các KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp.
Theo dự báo, năm 2011, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình FDI trên thế giới dự báo sôi động hơn, dự kiến các KCN sẽ thu hút được thêm khoảng 4,5 – 5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài và 18 – 20 ngàn tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, nâng tổng số dự án trong KCN đến cuối năm 2011 đạt 8.900 dự án, trong đó có 4.100 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 4.800 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 56 – 58 tỷ USD và 400 ngàn tỷ đồng.
Công tác bảo vệ môi trường trong các KCN
Công tác xử lý chất thải tại các KCN đã từng bước đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực.
Việc xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung trong KCN đã được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm thúc đẩy. Đến nay, trong số 173 KCN được thành lập và đang hoạt động có 105 KCN đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chiếm hơn 61% tổng số KCN đang hoạt động. So với những năm đầu của kế hoạch 5 năm 2006 – 2010, tỷ lệ các KCN đã đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành đã tăng lên đáng kể, gần 35% so với tỷ lệ năm 2006. Tại một số khu vực, tỷ lệ các KCN có nhà máy xử lý nước thải đạt tỷ lệ cao, ví dụ như Vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ. Số lượng các doanh nghiệp trong KCN đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tỷ lệ cao (khoảng 85%).
Do được quan tâm, đánh giá, xem xét ngay từ giai đoạn lập dự án đầu tư cho nên nhiều doanh nghiệp trong KCN đã thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước khí thải. Một số ngành nghề có mức độ xả thải khí thải cao như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí… đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Vì vậy, tình trạng ô nhiễm khí thải, tiếng ồn được hạn chế đáng kể.
Việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn được hầu hết các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành. Đa số các doanh nghiệp trong KCN đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Một số KCN đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải tập trung. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn được đảm bảo.
Việc đăng ký nguồn chất thải nguy hại theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường được quan tâm đôn đốc thực hiện. Tại một số địa phương, việc thu gom, xử lý chất thải nguy hại từ các KCN được triển khai tốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại và hạn chế.
Đa số các KCN đều phát triển sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực cho nên có nhiều loại phát thải khác nhau, nhất là nước thải. Việc thu gom và xử lý chúng là khó khăn. Mặc dù, số lượng các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã tăng lên nhưng theo báo cáo của các Ban Quản lý các KCN, tại khu vực xung quanh KCN ở một số địa phương, một số tiêu chuẩn nước thải vượt quá quy định cho phép.
Việc xử lý khí thải, mặc dù, các doanh nghiệp đã có ý thức thực hiện, nhưng trang thiết bị phục vụ công tác này chủ yếu còn sơ sài, đơn giản, chưa giảm thiểu triệt để ảnh hưởng của khí thải gây ra đối với môi trường xung quanh. Chất lượng môi trường không khí tại các KCN, đặc biệt là các KCN được thành lập trên cơ sở các doanh nghiệp cũ có sẵn với công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải, đang bị suy giảm. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường không khí trong các cơ sở sản xuất các KCN cũng là vấn đề cần được quan tâm (cụ thể như các đơn vị chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất…)
Một số doanh nghiệp trong KCN không thực hiện đăng ký nguồn thải theo quy định, có doanh nghiệp tự lưu trữ chất thải, gây ô nhiễm cục bộ. Tại một số địa phương, còn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, cho nên chất thải nguy hại không được quản lý, xử lý theo quy định, nảy sinh nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Về chất thải rắn, tại một số KCN chưa có nơi tập kết chất thải rắn để đưa đi xử lý, gây khó khăn cho việc thu gom. Một số doanh nghiệp trong KCN tự lưu giữ và xử lý nên thường là không đảm bảo tiêu chuẩn.
Việc thực hiện ủy quyền cho Ban quản lý các KCN trong quản lý môi trường ở một số địa phương chưa triệt để. Do vậy, nảy sinh một số vấn đề như: cơ quan này cấp phép về môi trường, trong khi cơ quan khác là đơn vị kiểm tra, việc thanh, kiểm tra về môi trường chồng chéo và không hiệu quả…
Ý thức doanh nghiệp trong KCN về bảo vệ môi trường đã được cải thiện. Tuy nhiên, việc đầu tư cho công tác môi trường làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận đạt được. Do vậy, tại một số nơi, việc bảo vệ môi trường chưa được doahh nghiệp tự giác thực hiện, vẫn cần được tuyên truyền thường xuyên, đồng thời có cơ chế thanh, kiểm tra chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường.
Một số giải pháp
Để đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường KCN trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số nội dung sau:
Các địa phương cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các KCN để đảm bảo các quy hoạch đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; cần xem xét lại mối quan hệ qua lại giữa quy hoạch phát triển KCN tại mỗi vùng kinh tế với quy hoạch của các ngành kinh tế – xã hội khác trong vùng; quy hoạch phát triển KCN tại mỗi vùng cần phù hợp với điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế – xã hội, triển vọng thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Trong quá trình lập quy hoạch phải tính ngay tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và bảo vệ môi trường.
Việc thành lập và phát triển KCN phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.
Thu hút đầu tư vào KCN theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm môi trường, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.
Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong KCN. Nghiên cứu phát triển mô hình KCN thân thiện với môi trường.
Bổ sung thanh tra Ban quản lý các KCN vào hệ thống thanh tra nhà nước để tạo điều kiện cho các Ban quản lý thực hiện tốt chức năng, giám sát thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong KCN.
Chủ đầu tư KCN chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của KCN; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp với điều kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của KCN; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong KCN.
Tất cả các doanh nghiệp trong KCN có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của KCN, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khi thải ra ngoài.
Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong KCN có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.
Rà soát, bổ sung và tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, trong đó hướng dẫn cụ thể, quy định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành, cập nhật các tiêu chuẩn môi trường cho phù hợp với thực tế.
Huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư các công trình bảo vệ môi trường của KCN gồm: vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, vốn ODA, vốn từ ngân sách nhà nước. Trong đó, vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng là chủ yếu.
Ban hành cơ chế, chính sách để tạo cơ sở cho việc hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
, tăng cường thanh, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các KCN, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
, chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN cũng như các doanh nghiệp thứ cấp để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài KCN; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường các KCN; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.