– Các cơ sở giam giữ hành chính đối với người nghiện ma túy và người hành nghề mại dâm không giúp điều trị hay phục hồi hiệu quả cho họ.
– Khung pháp lý hiện có không cho phép những đối tượng có nguy cơ bị giam giữ hành chính có được những quy trình bảo vệ mà họ đáng được hưởng theo quy định của luật nhân quyền quốc tế. Họ không có quyền được tòa án tổ chức xét xử; không được tạo cơ hội cung cấp hay phản bác các bằng chứng; không có quyền được luật sư hay một người đại diện khác bảo vệ; và không có sự đảm bảo nào đối với việc họ có thể tiếp cận nhanh chóng với một thẩm phán để rà soát lại tính hợp pháp của việc giam giữ.
Thứ hai, tại Hội thảo các chuyên gia quốc tế đã trình bày các nội dung về hệ thống giam giữ hành chính ở Trung Quốc và Malaysia, về những tranh luận cũng như những xu hướng hiện có ở các nước này. Đây là hai quốc gia Châu Á có các hệ thống giam giữ hành chính ít nhiều tương đồng với Việt Nam nên sự chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm này sẽ rất quý báu đối với Chính phủ Việt Nam trong quá trình cân nhắc làm thế nào để đổi mới hệ thống xử lý vi phạm hành chính thông qua văn bản Luật mới này. Các đại biểu Việt Nam đã có khá nhiều câu hỏi để hiểu rõ thêm các vấn đề nêu trong các báo cáo của các chuyên gia quốc tế.
Thứ ba, các đại biểu đã đưa ra các quan điểm của việc xây dựng, hoàn thiện các quy định về các biện pháp xử lý hành chính khác cần thực hiện theo một số tiêu chí chủ yếu sau:
– Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính tối cao của Luật trong hệ thống các văn bản pháp luật. Khắc phục một cách căn bản tình trạng quy định thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật về xử lý vi phạm hành chính cho nhiều loại cơ quan nhà nước như hiện nay;
– Đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ của các văn bản;
– Sửa đổi, bổ sung theo hướng những người bị xử lý oan sai phải được bồi thường, mọi trường hợp áp dụng pháp luật sai trái phải bị xử lý nghiêm minh;
– Tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật quy định về các biện pháp xử lý hành chính khác;
– Sự đơn giản, minh bạch, rõ ràng của các quy định;
– Trực tiếp, nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu qủa của các quy định;
– Thể hiện tính xã hội hoá, thu hút sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư, gia đình, trường học trên cơ sở cơ chế trách nhiệm và phối hợp hợp lý.
– Thực ra việc quy định cả nội dung về Xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử lý hành chính khác trong cùng một Luật là không khoa học và khó khăn trong thực tiễn áp dụng bởi vì các loại biện pháp cưỡng chế này là rất khác nhau và như vậy, thực ra là mang tính khiên cưỡng khi phải ghép chúng vào trong một văn bản luật. Cần phân biệt rõ giữa các văn bản pháp luật quy định chi tiết và các văn bản hướng dẫn thi hành Các biện pháp xử lý hành chính khác. Tính chất cũng như thẩm quyền ban hành hai loại văn bản này là hoàn toàn khác nhau.
Có thể nhận thấy hệ thống các quy định pháp luật về các biện pháp xử lý hành chính khác có vai trò quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, bảo vệ và bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của công dân. Vì vậy, các kết quả thu được của Hội thảo có giá trị rất lớn trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính của Việt Nam hiện nay./.
Explore posts in the same categories: Pháp luật hành chính Nhà nước