Giải Quyết Ùn Tắc Giao Thông Trước Cổng Trường

Nhiều năm nay, khu vực trước cổng một số trường học ở TP.Biên Hòa  thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ học sinh tan trường. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng tình trạng này vẫn chưa giải quyết xong, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề lưu thông cho các phương tiện khác.

Trước khu vực cổng Trường tiểu học Phan Đình Phùng (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) thường xuyên xảy ra kẹt xe vào giờ tan học. Ảnh: T.Hải

Tại TP.Biên Hòa, tùy theo địa điểm của từng trường mà tình trạng ùn tắc diễn ra lâu hay mau. Có những trường tập trung đông học sinh lại nằm trên các tuyến đường quan trọng nên kẹt xe xảy ra kéo dài.

* Giao thông vẫn lộn xộn

Nhiều trường học ở TP.Biên Hòa, phụ huynh đưa đón con bằng ô tô, xe máy ngày một nhiều và phổ biến, trong khi khuôn viên nhà trường quá nhỏ, không đủ chỗ cho phụ huynh để xe bên trong. Do đó, họ phải dừng, đậu xe bên ngoài cổng trường để dắt con vào trường hoặc đợi đón con khi tan học.

Tại Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (P.Tân Tiến) vào giờ tan học, xe máy, xe ô tô đậu tràn lên cả vỉa hè, lòng đường, thậm chí đứng chắn trước cổng trường, chiếm hết lối đi của những phương tiện khác.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp như hiện nay, việc phụ huynh tập trung đông đúc trong thời gian đưa, đón học sinh khiến nguy cơ lây nhiễm tăng cao. Do đó, các trường học và ngành chức năng cần nâng cao biện pháp phòng dịch, đảm bảo an toàn hơn.

Chị Hà Thúy Đoan (ngụ P.Tân Phong) cho hay: “Nhiều lúc tôi đưa con đi học rất sớm nhưng cũng không tránh khỏi tình trạng kẹt xe. Xe máy của phụ huynh đậu tràn từ cổng ra đường, thậm chí đậu dàn ngang chiếm 2/3 diện tích mặt đường khiến giao thông hỗn loạn. Ùn tắc xảy ra như cơm bữa, rất mệt mỏi”.

Vào giờ học sinh tan học trưa và chiều, khu vực trước Trường THPT Ngô Quyền (P.Trung Dũng), các loại phương tiện dừng, đậu tràn lan hai bên đường 30-4. Đáng chú ý, nhiều người đậu và quay đầu xe rất tùy tiện. Thêm vào đó, việc xe buýt thường xuyên vào – ra khu vực này để đón, trả khách càng khiến cho tình hình giao thông trở nên lộn xộn và ùn tắc kéo dài.

Lưu lượng phương tiện giao thông đoạn đường 30-4 thường đông, nhất là vào giờ cao điểm. Do đó, TP.Biên Hòa đã tiến hành cắm biển cấm quay đầu xe ô tô trước khu vực Trường THPT Ngô Quyền. Đồng thời, TP.Biên Hòa cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó xử lý nghiêm hành vi dừng, đậu và quay đầu xe không đúng nơi quy định. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn xảy ra thường xuyên do việc xử lý thiếu quyết liệt và chưa nghiêm.

* Khó giải quyết dứt điểm?

Trung bình, mỗi trường ở TP.Biên Hòa có khoảng 600-700 học sinh, thậm chí có những trường trên 1 ngàn học sinh. Như vậy, số phụ huynh (ngoài những trường hợp đưa rước con bằng xe khách) phải đi bằng phương tiện cá nhân vào giờ học sinh đến lớp hoặc tan trường cũng tương đương nên khu vực trước cổng trường thường xuyên ùn tắc.

Ông Nguyễn Văn Thuấn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hà Huy Giáp (P.Trảng Dài) cho biết, trường có khoảng 3,8 ngàn học sinh. Là trường có số lượng học sinh rất lớn nên công tác giải quyết giao thông trước cổng trường khá căng thẳng. Nhà trường phải phối hợp với địa phương tổ chức phân luồng, hướng dẫn phụ huynh khi đưa đón con phải chấp hành theo hướng dẫn.

Để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ đưa đón học sinh đi học và ra về, nhiều trường đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đề ra nhiều giải pháp như: tổ chức giờ tan lớp từng khối, từng cấp và học không trùng giờ; huy động các lực lượng công an, dân phòng, bảo vệ dân phố đứng chặn và điều hành tại các nút giao thông gần cổng trường vào các giờ cao điểm… Tuy nhiên, những giải pháp này xem ra chưa hiệu quả vì kẹt xe vẫn còn diễn ra ở khu vực trước cổng trường.

Theo Nghị định 100/NĐ-CP ngày 30-12-2023 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt việc dừng, đậu xe không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 200 ngàn đến 1 triệu đồng; nếu trong quá trình dừng, đậu xe trái quy định mà gây ra tình trạng ùn tắc giao thông có thể bị phạt 1-2 triệu đồng. Dù mức phạt cao và quy định đưa ra cụ thể, nhưng theo lý giải của các lực lượng chức năng chỉ mới dừng lại ở mức nhắc nhở các phụ huynh đậu xe gọn gàng, đúng khu vực để không xảy ra ùn tắc xe trước các cổng trường, còn việc xử nghiêm, phạt nặng chưa thể tiến hành.

Có thể chỉ ra nhiều nguyên nhân khiến khu vực trước cổng của nhiều trường thường xảy ra ùn tắc, kẹt xe là do: trường học gần các nút giao thông, gần chợ và mặt đường chật hẹp. Mặt khác, ý thức tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông của nhiều phụ huynh khi đưa đón con em còn kém. Trong khi phương tiện tập trung đông, nhiều phụ huynh chẳng ai nhường ai mà vào ra lộn xộn, tạt ngang tạt dọc khiến tình hình giao thông trở nên hỗn loạn. Phần lớn, thói quen dừng, đậu xe tùy tiện trở thành việc làm thường xuyên của không ít phụ huynh.

Thượng tá Lê Thanh Sơn, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, hằng ngày 2 buổi sáng và chiều thời điểm học sinh đến trường và tan học lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, công an các phường tăng cường tổ chức điều tiết, phân luồng giao thông nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra. Bên cạnh việc điều tiết của lực lượng chức năng thì các trường căn cứ vào tình hình thực tế để đưa ra phương án cho phù hợp như: điều chỉnh thời gian lệch ca học, tan trường, cho phụ huynh đậu xe ở khuôn viên trường…

Thanh Hải

Giảm Ùn Tắc Giao Thông Trước Cổng Trường

Phụ huynh sắp xếp chỗ để xe máy, chờ đón học sinh tại cổng Trường Trung học cơ sở Thăng Long (quận Ba Đình).

Áp lực lớn cho giao thông đô thị

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, vào 7h30 sáng hằng ngày, cổng Trường Tiểu học Dịch Vọng B và Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) luôn xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Nguyên nhân do hai trường ở vị trí đối diện nhau, nhiều phụ huynh đỗ xe ô tô ngay dưới lòng đường, xe máy dựng kín vỉa hè khiến các em phải chen vào giữa dòng xe để vào lớp. Bà Phan Thị Dung, phố Khúc Thừa Dụ, phường Dịch Vọng có cháu học lớp 2 Trường Tiểu học Dịch Vọng B cho biết: “Có hôm đi đón cháu, tôi phải mất 20 phút mới thoát khỏi khu vực cổng trường. Lúc sang đường cũng phải mất thêm 10 phút, vì xe ô tô, xe máy của người đi đường cứ đi băng qua, rất nguy hiểm”.

16h chiều 23-9, tại cổng Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân), hàng trăm phụ huynh đi xe máy vào con phố nhỏ để đón con, cháu. Với đặc thù đông học sinh, xung quanh trường lại có nhiều nút giao thông trọng điểm nên hầu hết phụ huynh di chuyển nhanh, nhưng tình trạng ùn ứ giao thông tại cổng trường vẫn xảy ra. Anh Nguyễn Văn Hải, phố Phương Liệt cho biết: “Chỉ cần một phụ huynh dựng xe trước cổng trường sẽ gây ùn tắc giao thông ngay. Vì vậy, chúng tôi thường nhắc nhau đỗ xe đúng nơi quy định để giao thông được thông suốt”.

Tương tự, tại các nút giao thông xung quanh và trước cổng một số trường tại quận Ba Đình như: Trường Tiểu học Hoàng Diệu; Trường Trung học cơ sở Ba Đình, Trường Trung học cơ sở Thăng Long… cũng thường xuyên xảy ra ùn tắc. Một phần do các trường nằm ở mặt phố hẹp, trong khi người và phương tiện tham gia giao thông đông đúc; một phần do ý thức của phụ huynh đưa, đón học sinh còn hạn chế.

Nói thêm về nguyên nhân gây ùn tắc giao thông trước cổng trường, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) Nguyễn Việt Trung cho biết, do lượng lớn phụ huynh đến đón con, cháu cùng một lúc, lại để xe tùy tiện, thậm chí có trường hợp dừng, đỗ xe ngay dưới biển cấm…, nên nếu lực lượng chức năng không kịp thời điều tiết, phân luồng là xảy ra ùn tắc cục bộ. Tồn tại này đã và đang gây áp lực lớn cho giao thông đô thị.

Công an phường Thành Công (quận Ba Đình) phân luồng, chống ùn tắc giao thông trước cổng Trường Tiểu học Thành Công A.

Để giải quyết ùn tắc giao thông trước cổng trường, nhiều giải pháp đã được các cấp, ngành, nhà trường trên địa bàn Hà Nội triển khai.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân) Phạm Thanh Huyền cho biết, nhà trường đã ký cam kết với Công an phường trong việc phân luồng giao thông tại các “điểm nóng” quanh khu vực trường. Nhà trường cũng ký cam kết với phụ huynh và học sinh, để chung tay bảo đảm trật tự, chống ùn tắc giao thông tại cổng trường.

Còn theo Trung tá Trần Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông và trật tự (Công an quận Hoàn Kiếm), thời gian qua, chính quyền và công an 18 phường trên địa bàn quận đã phối hợp với các nhà trường tổ chức bố trí lực lượng trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; mở thêm cổng ra, vào để “san tải” lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn vào một cổng.

Trong khi đó, sơn kẻ vạch, sắp xếp chỗ đỗ xe máy cho phụ huynh; huy động đoàn viên, thanh niên tham gia phân luồng, hướng dẫn phụ huynh đỗ xe đúng nơi quy định… là những giải pháp được UBND quận Ba Đình và một số quận nội thành thực hiện. Theo Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình Lê Tất Thành, hiện có 21 trường trên địa bàn quận đã sơn kẻ vạch, sắp xếp chỗ đỗ xe máy cho phụ huynh đưa, đón học sinh; 5 trường bố trí sắp xếp chỗ để xe trong sân trường, góp phần giảm ùn tắc giao thông tại các cổng trường.

Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, trường học tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho học sinh. Đồng thời, phối hợp xử lý nhiều trường hợp dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định trước cổng trường.

Về lâu dài, theo Tiến sĩ Đào Thanh Hải, Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), cần phát triển một hệ thống xe buýt học đường hoàn chỉnh. Đồng tình với quan điểm này, Chánh Thanh tra Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội Trần Nhật Quang cho rằng, cần khuyến khích học sinh đến trường bằng phương tiện vận tải công cộng. Hiện, Hà Nội đã có một số trường tổ chức đưa, đón học sinh bằng hệ thống xe buýt, hoạt động vào khung giờ nhất định, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

Với các giải pháp nêu trên, hy vọng tình trạng ùn tắc giao thông tại các cổng trường vào giờ đưa, đón học sinh sớm được giải quyết triệt để.

Giảm Thiểu Tình Trạng Ùn Tắc Giao Thông Trước Cổng Trường

Trước tình trạng ùn tắc vào giờ đưa đón học sinh diễn ra phổ biến, thời gian qua, một số trường học trên địa bàn thành phố đã có những cách làm hay trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước cổng trường vào giờ cao điểm. Nhờ đó đã cải thiện được tình trạng ùn tắc giao thông mỗi khi tan học. Hy vọng những cách làm này sẽ được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Đón cháu lúc tan học tại điểm trường Mầm non Tân An, bà Hoàng Thị Bời, tổ 6, phường Tân Giang, thành phố Cao Bằng chia sẻ về tình trạng ùn tắc giao thông khu vực cổng trường vào thời gian trước đây: “Giờ trả trẻ, phụ huynh đến là để xe, cứ bạ đâu để đấy, xe cộ không thể nào đi lại được, thậm chí cả những dãy đấy cả người đi bộ cũng không lách qua nổi, rất là phức tạp. Ô tô, xe máy không thể nào đi lại. Nhiều khi các cháu thanh niên nóng tính nhắc nhở không được, gọi thế nào thì gọi, cứ để lung tung, lộn xộn, không có hàng lối gì hết”. Đây là tình trạng phổ biến của các năm học trước ở điểm trường Mầm non Tân An, thành phố Cao Bằng. Điều đáng nói, đây không chỉ là tình trạng của riêng trường nào, bởi chuyện ùn tắc giao thông ở các cổng trường mỗi giờ tan tầm, giờ đi học đã không còn chuyện gì xa lạ, đặc biệt là ở các điểm trường mầm non và tiểu học. Một trong số những nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý phụ huynh và học sinh nào cũng muốn nhanh chóng đón con về nên không ai chịu nhường ai, đừng đỗ xe lộn xộn, gây nên tình trạng ùn ứ giao thông.

Nhờ triển khai các biện pháp như kẻ vạch nơi để xe, hướng dẫn các phụ huynh để xe đúng nơi quy định, tình trạng ùn tắc tại khu vực cổng điểm trường Mầm non Tân An mỗi giờ tan học đã được khắc phục.

Cha mẹ là người có tầm ảnh hưởng lớn đối với con cái, vậy nên cha mẹ có ý thức thực hiện văn hóa giao thông thì con cái cũng sẽ học tập và noi theo. Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng ùn tắc lộn xộn, ùn tắc trước cổng trường vào giờ đưa đón, đem lại sự an toàn của chính phụ huynh và con em mình. Đây cũng là một hình thức giáo dục đạo đức con cái, biết xếp hàng lề lối và làm theo trật tự.

Những mô hình, cách làm hay ở các trường như điểm trường Mầm non Tân An không chỉ giải quyết tình trạng lộn xộn, góp phần tích cực trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ cao điểm, mà còn tạo dựng được nét đẹp văn hóa giao thông, làm gương tốt cho học sinh noi theo.

Hoàng Điệp – Ánh Nguyệt

Tp. Nha Trang::nhiều Giải Pháp Chống Ùn Tắc Trước Cổng Trường

Từ ngày 24-10, phụ huynh học sinh (PHHS) các trường: Tiểu học Tân Lập 1, Tân Lập 2, Xương Huân 1; Trung học cơ sở (THCS): Âu Cơ, Võ Văn Ký, Nguyễn Hiền; Trung học phổ thông (THPT): Nguyễn Văn Trỗi, Dân lập Nguyễn Thiện Thuật (TP. Nha Trang) phải chấp hành việc đón con đúng khu vực quy định để tránh ùn tắc giao thông trước cổng trường.

Theo kế hoạch thực hiện chống ùn tắc trước các cổng trường vào giờ tan học trên địa bàn thành phố năm 2013 của Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố, từ ngày 24-10, PHHS các trường nêu trên, khi đưa đón học sinh (HS) phải thực hiện đúng quy định về thời gian đưa đón, địa điểm để xe máy và nơi đỗ ô tô.

Ông Ngô Khắc Thinh – Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang cho biết, năm 2012, việc chống ùn tắc giao thông trước cổng trường học đã được triển khai thí điểm ở các trường tiểu học: Phương Sài, Phước Tiến, Lộc Thọ; THCS Thái Nguyên và THPT Lý Tự Trọng. Sau thời gian triển khai, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ trước cổng trường vào giờ tan học và khi đến trường đã có chuyển biến đáng kể; tình trạng buôn bán hàng rong trước cổng trường đã được giải quyết triệt để; ý thức của PHHS trong việc đưa đón con em đã được nâng cao và chấp hành nghiêm túc các quy định của UBND thành phố.

Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phương Sài đã có ý thức đậu đỗ xe đúng nơi quy định.

Phát huy hiệu quả của phương án này, năm 2013, UBND thành phố tiếp tục triển khai chống ùn tắc giao thông tại các trường học nêu trên. Từ ngày 24-10 đến 4-11-2013, các lực lượng chức năng sẽ điều hành hướng dẫn, tuyên truyền cho PHHS thực hiện để xe đúng nơi quy định. Từ ngày 5-11, các lực lượng sẽ tiến hành kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm. Hiện nay, Phòng Quản lý đô thị Nha Trang đã tiến hành sơn vẽ các điểm dừng, đỗ hợp lý, đảm bảo đúng quy chuẩn thiết kế đường và quy chuẩn báo hiệu đường bộ hiện hành. Các đơn vị: Công an thành phố, Phòng Giáo dục và Đào tạo, UBND các phường: Tân Lập, Xương Huân, Phước Hải, Phương Sài, Phước Tân, Phước Hòa và Ban giám hiệu các trường đã cử lực lượng tham gia phối hợp theo nhiệm vụ được phân công.

Bà Phan Thị Tiến Lợi – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập 1 cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch bố trí giờ và lưu lượng HS tan học theo từng khối lớp nhằm đảm bảo triển khai thực hiện phương án có hiệu quả”. Được biết, ngoài việc PHHS phải để xe đúng nơi quy định khi đưa đón HS, theo kế hoạch của Ban ATGT thành phố, sẽ cấm ô tô lưu thông ở một số tuyến đường như: Bạch Đằng (đoạn từ Trần Nguyên Hãn đến Ngô Gia Tự), Hàn Thuyên (đoạn Pasteur đến Lê Lợi), Phạm Ngũ Lão… trong thời gian đưa đón HS.

Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay, UBND TP. Nha Trang đã yêu cầu Công an thành phố chỉ đạo lực lượng Cảnh sát trật tự tham gia đầy đủ cùng tổ công tác liên ngành của thành phố kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp buôn bán hàng rong, đậu đỗ xe không đúng quy định. Bên cạnh đó, bố trí lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát và xử lý các trường hợp vi phạm đậu đỗ ô tô sai quy định tại các điểm trường, cụ thể là các loại ô tô khách, ô tô tải đậu đỗ tại khu vực dành riêng cho phụ huynh đưa đón HS. Các trường học phải liên tục tuyên truyền, phổ biến quy định nơi đỗ xe đến tận PHHS; đồng thời tuyên truyền, giáo dục HS không được đi xe máy đến trường, HS đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo ATGT, có hình thức xử lý kỷ luật và thông báo về gia đình đối với các trường hợp vi phạm. Bà Nguyễn Thị Hải Yến – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Sài cho biết, năm 2012, khi triển khai phương án chống ùn tắc giao thông trước cổng trường, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã thành lập Ban ATGT, kết hợp với địa phương trong việc phân công lực lượng tự vệ để hỗ trợ cho nhà trường giữ gìn an ninh trật tự trong và trước cổng trường, đặc biệt trong giờ đưa đón HS. Để phát huy hiệu quả, nhà trường đã bố trí giờ ra về lệch nhau giữa các khối lớp; ký cam kết giữa nhà trường và PHHS về thực hiện ATGT và chống ùn tắc trước cổng trường; treo, dựng các biển báo, các thông tin về việc chống ùn tắc trước cổng trường; hàng ngày tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, PHHS về phương án thí điểm của thành phố; vận động, tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, viết bài về ATGT trong HS; đưa công tác chống ùn tắc trước cổng trường vào nội dung thi đua. “Nhờ có sự phối hợp đồng bộ với các cơ quan chức năng, Ban đại diện cha mẹ HS mà thời gian qua, công tác chống ùn tắc trước cổng Trường Tiểu học Phương Sài có chuyển biến tích cực; phụ huynh đã có ý thức đậu đỗ xe đúng nơi quy định, hạn chế tối đa tình trạng ùn tắc trước cổng trường”, bà Yến khẳng định.

Hy vọng, hiệu quả từ các trường học đã thí điểm trong năm 2012 cùng với kế hoạch triển khai chặt chẽ của Ban ATGT thành phố, công tác chống ùn tắc trước các cổng trường vào giờ tan học trên địa bàn TP. Nha Trang năm 2013 sẽ tạo sự chuyển biến tích cực.

Giải Pháp Nào Xử Lý Hiệu Quả Ùn Tắc Giao Thông Trước Cổng Trường Hà Nội?

Theo ghi nhận thực tế của PV, từ giữa tháng 8 đến nay, khi học sinh, sinh viên đi học trở lại trường học thì giao thông tại các cổng trường lập tức trở về trạng thái căng thẳng. Tại nhiều điểm trường trên địa bàn Hà Nội, vào các khung giờ cao điểm, tình trạng phụ huynh dừng đỗ ô tô, xe máy dưới lòng đường, trên vỉa hè đưa đón con gây ra ùn tắc nghiêm trọng.

Điển hình như tại Trường Tiểu học Dịch Vọng B, THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), Tiểu học Kiến Hưng (quận Hà Đông), Trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm khoa học giáo dục (số 50-52 phố Liễu Giai, quận Ba Đình), Trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng)… hầu như ngày nào cũng diễn ra tình trạng ùn tắc giao thông.

Ở góc độ nhìn nhận của các phụ huynh, sở dĩ có hiện tượng ùn tắc trước trường học vào giờ tan trường là do quỹ đất vỉa hè dành cho các trường không đủ để chứa nhiều xe trong cùng một thời điểm; thậm chí lòng lề đường còn bị nhiều quán hàng rong chiếm dụng…

Phản bác quan điểm này, một người dân sống cạnh Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) cho rằng: “Ý thức của một số người còn kém, vì cứ tiện đâu đỗ đấy không quan tâm tới việc sẽ gây ảnh hưởng tới việc lưu thông của các phương tiện khác”.

Đa phần ý kiến đều cho rằng, trong bối cảnh ý thức của một số chủ phương tiện chưa cao, trong khi cơ sở hạ tầng và quỹ đất dành cho giao thông tĩnh còn quá khiêm tốn thì việc ùn tắc, chen lấn trước cổng trường rất khó có sự chuyển biến.

Thời gian qua, chính quyền và công an các địa phương cùng các nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp như bố trí lực lượng chốt trực tại chỗ kết hợp phân luồng từ xa; bố trí lệch giờ học; tăng cường tuyên truyền vận động phụ huynh tuân thủ các quy định về khu vực được dừng, đỗ xe.

Đơn cử, tại Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm), để số lượng người và phương tiện không bị tăng đột biến vào cùng một thời điểm, nhà trường đã quy định giờ tan học của các khối cách nhau từ 5-10 phút. Trường THCS Trần Đăng Ninh lại lựa chọn phương án, phân chia lịch học so le giữa các khối (lớp học sáng, lớp học chiều). Hay như Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông) với số lượng học sinh đông, mỗi giờ tan nhà trường bố trí mở hai cổng chính và phụ ở hai lối khác nhau, giảm tải lượng phụ huynh, học sinh tập trung dồn ở một nơi. Cùng cách làm, hơn một năm nay, Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng) ngoài cổng chính ở phố Lê Đại Hành, đã cải tạo xây dựng thêm cổng mở ra phía đường Nguyễn Đình Chiểu kéo dài để có thể mở hai cổng cùng lúc nhằm tăng khả năng lưu thoát. Một số trường THPT tổ chức các đội thanh niên tình nguyện hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường trong giờ cao điểm…

Các giải pháp trên đã mang lại một số hiệu quả nhất định. Thế nhưng, đây mới chỉ là những giải pháp tình thế, không mang lại được hiệu quả lâu dài do hiện nay nhu cầu dừng đỗ xe quá lớn, trong khi cơ sở hạ tầng giao thông hiện tại lại quá chật hẹp.

Theo một số ý kiến, tắc đường tại cổng trường không chỉ là câu chuyện của giao thông, mà còn là vấn đề xã hội. Tình trạng chọn trường, chọn lớp, học trái tuyến đã khiến quãng đường di chuyển từ nhà đến trường trở nên quá xa. Giao thông hỗn hợp thiếu an toàn, nên hầu hết các bậc phụ huynh đều chọn cách trực tiếp đưa đón con em đến trường bằng phương tiện cá nhân. Xe buýt học đường dù đã có nhưng chủ yếu do các trường ngoài công lập triển khai nên mới đáp ứng được một phần nhu cầu rất nhỏ.

Để có “lối thoát” cho ùn tắc tại cổng trường, một trong những giải pháp là buộc phải hoàn thiện hệ thống xe buýt học đường để học sinh có thể đến trường an toàn với mức chi phí phù hợp mà không cần sự đưa đón của bố mẹ. Xe buýt học đường sẽ chỉ hoạt động vào những khung giờ nhất định nhằm tránh ùn tắc. Khi đó, giải pháp bố trí lệch giờ làm của phụ huynh với giờ học của học sinh mới thực sự phát huy hiệu quả.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng cũng nên có chế tài xử lý đối với những phụ huynh cố tình vi phạm; quy trách nhiệm với các trường học, địa phương chưa làm tròn nhiệm vụ trong việc đề ra các phương án và bố trí lực lượng tham gia bảo đảm an toàn giao thông khu vực cổng trường.