1. Đối tượng của văn học Văn học là nghệ thuật ngôn từ, là hình thức nghệ thuật sử dụng ngôn từ làm chất liệu. Văn học là một trong số các hình thái chiếm lĩnh thế giới bằng nghệ thuật.Văn học cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác có đối tượng là thế giới con người, các quan hệ đa dạng của con người với thực tại.Nói cách khác, đối tượng của văn học là toàn bộ hiện thực khách quan trong mối liên hệ sinh động, muôn màu với cuộc sống con người. Hiện thực khách quan là cơ sở phản ánh, thể hiện của tác phẩm văn học, nhưng văn học chiếm lĩnh thế giới khách quan theo cách riêng của mình.
2. Nội dung của văn học Từ sự ý thức về sự sống, văn học phản ánh cuộc sống trong tính toàn vẹn, cụ thể, cảm tính mà con người chủ thể là trung tâm. Văn học làm sống dậy những con người cá thể với những hành động, những quy tắc ứng xử do quan hệ của nhân vật và hoàn cảnh xung quanh hoặc thời đại lịch sử tạo nên. Văn học phản ánh hiện thực nhưng không sao chép giản đơn lại hiện thực đó.Những khoảng trống, những cuộc đời và số phận trong tác phẩm văn học đã được ý thức, lí giải theo nhiều góc độ, nhiều quan điểm khác nhau.Nội dung của văn học bao giờ cũng thể hiện những quan niệm, những của nhà văn về cuộc sống.
Tóm lại, nội dung của văn học là cuộc sống được ý thức về mặt tư tưởng và giá trị, gắn liền với quan niệm về chân lí đời sống, với cảm hứng thẩm mĩ và thiên hướng đánh giá.
3. Chức năng của văn học Văn học là “sách giáo khoa về cuộc sống”. Khổng Tử dạy ” Kinh thi có thể làm cho người ta phấn chấn, biết xem xét, biết hợp quần, biết oán giận”(Luận ngữ-Thiên Dương hoá). Nguyễn Đình Chiểu cũng viết ” Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà “. Những nhận định đó cho thấy tác dụng to lớn của văn học, trong đó tiêu biểu là ba chức năng nhận thức, giáo dục và thẩm mĩ.
a. Chức năng nhận thức
Văn học phản ánh thế giới, giúp người đọc hiểu về cuộc sống muôn màu. Đó là những tri thức về thế giới loài vật, cây cỏ hoa lá, những tri thức về phong tục tập quán, về con người. Điều này lí giải tại sao chúng ta có thể tìm thấy những cứ liệu lịch sử, những tài liệu về xã hội học, dân tộc học trong các tác phẩm văn học. Ta có thể biết được tục ăn trầu, tục thách cưới, tục nối dây,…chính nhờ hàng loạt những tác phẩm thần thoại, cổ tích, sử thi được ghi chép, lưu truyền lại.
Đặc điểm nhận thức của nghệ thuật gắn liền với bản thân đối tượng và yêu cầu nhận thức riêng của nó. Nghệ thuật hướng về hai đối tượng cơ bản xã hội và con người, nhưng không phải là ghi chép đời sống và mô tả con người mà là nghiên cứu đời sống xã hội và con người.Ở đây, văn học nghệ thuật đồng nghĩa với quá trình “hiểu biết, khám phá và sáng tạo” (Phạm Văn Đồng- dẫn theo Phương Lựu, sđd, trang 169). Khám phá thể hiện ở những khái quát mà nhà văn đạt tới và những vấn đề mà nhà văn nêu ra trong tác phẩm, thậm chí cả những dự báo về tương lai Văn học còn thể hiện chức năng nhận thức thông qua hoạt động tự nhận thức của chính nhà văn.Ý nghĩa nhận thức của nghệ thuật về con người còn thể hiện ở việc khám phá ra tính cách xã hội điển hình của một giai đoạn, một xã hội, một tầng lớp nào đó. Nó cũng thể hiện trong việc lí giải con người và đặc biệt là vào thế giới bên trong của con người, vào các quá trình tư duy và tình cảm của nó.
b. Chức năng giáo dục
Chức năng giáo dục có mối quan hệ chặt chẽ với chức năng nhận thức.Văn học có chức năng , cải tạo quan điểm, tư tưởng, đạo dức con người. Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau, chức năng giáo dục của văn học bộc lộ khác nhau. Ở ViệtNam, do đặc điểm lịch sử, văn học được sử dụng như một công cụ tuyên truyền giác ngô chính trị và động viên quần chúng, thực sự trở thành một phương tiện giáo dục có sức mạnh to lớn trong các cuộc đấu tranh giữ nước.
Sự tác động của văn học nghệ thuật không phải là sự thuyết giáo suông, không phải là sự áp đặt mà đi theo một con đường đặc thù. Văn học thực hiện chức năng giáo dục thông qua việc đồng hành, đối thoại với bạn đọc, với khán giả. Đó chính là quá trình tự giáo dục bởi sự thay đổi trong bản thân mỗi người không còn chịu sự tác động từ bên ngoài mà diễn ra một cách tự giác.Có được sự tự giác ấy nhờ văn học có sự hấp dẫn đối với người đọc thông qua đặc trưng riêng về ngôn ngữ, nhân vật, chi tiết, cốt truyện. Sức tác động của văn học theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày một ít, người đọc chịu sự ảnh hưởng, tự nguyện làm theo một mẫu nhân vật, một quan niệm, một triết lí sống mà không nghĩ rằng mình đã bị ép buộc.
c. Chức năng thẩm mĩ
Chức năng thẩm mĩ là chức năng đem lại sự hưởng thụ thẩm mĩ cho con người.Văn học có nhiệm vụ thoả mãn nhu cầu thẩm mĩ, phát triển năng lực thẩm mĩ và thị hiếu thẩm mĩ của con người một cách toàn diện nhất với những thế mạnh riêng của nó.
Văn học phản ánh cái đẹp vốn có trong thiên nhiên một cách chọn lọc, khái quát kĩ lưỡng làm nhân đôi giá trị của hiện thực.
Văn học còn sáng tạo mới, vốn không có trong hiện thực.Tác phẩm chứa đựng cái nhìn mới của nhân vật về thế giới còn mang lại một vẻ đẹp mới của âm thanh, màu sắc, hình khối, ngôn ngữ.
Tiếp xúc với tác phẩm văn học, được đắm mình trong cái đẹp, con người được bồi dưỡng về năng lực ra cái đẹp. Văn học góp phần bồi dưỡng cảm xúc, bồi dưỡng thị hiếu thẩm mĩ của con người, giúp con người biết cảm nhận vẻ đẹp trong tác phẩm, biết khám phá cái đẹp trong cuộc sống. Tác phẩm văn học còn nâng cao thị hiếu thẩm mĩ, giáo dục và những quan niệm và sở thích riêng của con người.
Chức năng thẩm mĩ có vai trò rất lớn trong các chức năng của văn học nhưng không thể đề cao quá mức chức năng này bởi làm như thế sẽ sa vào quan niệm duy mĩ.
* Mối quan hệ giữa ba chức năng
Các chức năng của văn học không tồn tại tách rời mà có sự gắn bó một cách chặt chẽ, nhiều lúc sự phân định rạch ròi là khó có thể thực hiện được. Chức năng này có thể bao hàm một phần của chức năng kia, và do đó, thể hiện tốt chức năng này cũng đồng thời tạo điều kiện cho chức năng kia phát huy tác dụng.Ví dụ, chức năng nhận thức là cơ sở để chức năng giáo dục đạt hiệu quả. Nhận thức tốt thì giáo dục mới đạt hiểu quả cao. Giáo dục thẩm mĩ là một phần của chức năng giáo dục. Bởi một hình tượng văn học có giá trị thẩm mĩ cao sẽ đem lại hiệu quả giáo dục như mong muốn.
Ngoài các chức năng cơ bản trên, người ta còn xác định thêm những chức năng khác của văn học: chức năng giao tiếp, chức năng giải trí, chức năng dự báo…
Văn học có sức mạnh to lớn trong cải tạo xã hội, cải biến con người. Vì vậy văn học xứng đáng là một vũ khí đấu tranh giai cấp, đấu tranh xã hội. Mọi lực lượng xã hội đều sử dụng văn học như một vũ khí tuyên truyền hữu hiệu cho giai cấp mình. Vì thế, việc chọn lựa sách, hướng dẫn học sinh tiểu học đọc những tác phẩm văn học có tác dụng tốt về nhận thức, về đạo đức và thẩm mĩ có trách nhiệm lớn của giáo viên.